GIỚI THIỆU NGÀNH CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT CƠ ĐIỆN TỬ
Ngày tạo: 23/04/2020 | Lượt xem : 10577 |

GIỚI THIỆU NGÀNH CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT CƠ ĐIỆN TỬ

(Mechatronic Engineering Technology)

Cơ điện tử về cơ bản là sự kết hợp phức hợp của các ngành cơ khí, điện tử, và tin học. Tuy vậy một nét chung nhất được thừa nhận và cũng là bản chất của cơ điện tử là sự “liên kết cộng năng của nhiều lĩnh vực để tạo ra những sản phẩm mới có những tính năng vượt trội”. Sự liên kết cộng năng này mang lại nhiều cơ hội và không ít thách thức cho sự phát triển của chính của ngành cơ điện tử.

Cùng với sự phát triển của công nghệ và máy móc hiện đại, các robot đang không ngừng phát triển về số lượng cũng như khả năng của chúng. Robot ngày càng thông minh, đảm nhận thay thế những công việc mà con nguời không thể thực hiện như đi vào vùng phóng xạ, giải cứu nguời trong hoả hoạn... Thế hệ tương lai sắp tới đón nhận robot vào những công việc trong gia đình như trông nhà, dọn dẹp nhà cửa, theo dõi sức khoẻ... Mỗi robot có bộ phận xử lý trung tâm (não bộ), ngày nay còn được tích hợp thêm trí thông minh nhân tạo, các cơ cấu tác động (tay để cầm nắm, bánh xe di chuyển...), và các bộ phận cảm nhận (cảm biến) ghi nhận kích thích để gửi về bộ phận xử lý trung tâm. Robot chính là một sản phẩm của ngành CƠ ĐIỆN TỬ.

Mỗi ngành như cơ khí, điện tử, tin học đều có nền tảng khoa học vững chắc và tạo ra các sản phẩm đặc trưng riêng. Tuy nhiên, yêu cầu của thời đại đặt ra yêu cầu cao hơn về cách hoạt động của máy móc, yêu cầu máy móc cần phải gọn nhẹ hơn, linh động hơn, uyển chuyển hơn và thông minh hơn. Các kỹ sư cơ khí không thể làm máy móc thông minh hơn, trong khi những kỹ sư tin học có thể tạo ra trí thông minh nhân tạo nhưng họ không biết về cơ khí, những kỹ sư điện tử có thể kết nối và điều khiển tín hiệu, nhưng họ không thể kết nối giữa trí thông minh nhân tạo để điều khiển thiết bị cơ khí. Chính yêu cầu này đã hình thành nên ngành Cơ điện tử để tạo ra sản phẩm mới đáp ứng các yêu cầu đặt ra trên cơ sở phối hợp nền tảng sẵn có của các ngành với nhau. Với khả năng am hiểu về cơ khí, điện tử, tin học, và các công nghệ hiện đại... người kỹ sư cơ điện tử đưa vào các sản phẩm cơ khí hệ thống điều khiển linh hoạt bằng điện tử, và thông qua hệ thống điện tử, kết nối với hệ thống xử lý thông tin - trí thông minh nhân tạo để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.

Bộ môn Cơ điện tử trực thuộc Khoa cơ khí trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, với chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử được xây dựng theo hướng sinh viên sau khi ra trường phải có năng lực giải quyết vấn đề. Đào tạo sinh viên trở thành cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn và năng lực thực hành bậc cao đẳng, có tiềm năng phát triển và khả năng thích ứng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sản xuất. Các kỹ thuật viên Cao đẳng tương lai ngành Công nghệ Cơ – điện tử có khả năng:

Về kiến thức: Có những kiến thức cơ bản cần thiết và tương đối có hệ thống về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, đủ để tiếp thu kiến thức khoa học cơ sở, kỹ thuật chuyên ngành và rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo, năng lực thực hành nghề nghiệp.

- Nắm vững kiến thức về thiết bị cơ khí, nguyên lý cắt, công nghệ gá, biết sử dụng các bảo quản các loại thiết bị cơ khí trong các phân xưởng.

- Nắm vững kiến thức về sửa chữa bảo dưỡng các thiết bị cơ điện tử và có khả năng tổ chức chỉ đạo hoặc trực tiếp sửa chữa bảo dưỡng các thiết bị cơ điện tử.

- Có kiến thức và kỹ năng cơ bản về công nghệ kỹ thuật cao như điều khiển tự động bằng khí nén-thủy lực, điện – điện tử. Biết sử dụng máy tính để vẽ kỹ thuật, lập trình cơ bản, biết ứng dụng CAD/CAM. Có kỹ năng vận hành các máy điều khiển bằng kỹ thuật số CNC.

- Có khả năng ứng dụng và kỹ năng triển khai các công nghệ tiên tiến thuộc các lĩnh vực: cơ ứng dụng, công nghệ điện - điện tử, công nghệ thông tin – vi xử lý và điều khiển số.

Về kỹ năng, thái độ và đạo đức nghề nghiệp: Rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong công nghiệp, khiêm tốn, cần cù, giản dị, có ý thức tổ chức kỹ luật cao, có tinh thần làm chủ tập thể, tha thiết yêu nghề, hăng say học tập, rèn luyện để trở thành người cán bộ kỹ thuật toàn diện.

 - Biết lắp đặt, vận hành, khai thác, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa các thiết bị cơ - điện tử. Biết xử lý kỹ thuật trong phạm vi cụm và bộ phận. Có khả năng tham gia các chương trình dự án cải tạo, nâng cấp, nghiên cứu phát triển công nghệ các trang thiết bị kỹ thuật trong lĩnh vực phụ trách.

Về khả năng công tác: Sau khi tốt nghiệp các kỹ thuật viên Công nghệ Cơ điện tử có phẩm chất và năng lực nghề nghiệp đáp ứng được các yêu cầu của  thực tiễn đất nước; có thể làm việc tại các  cơ sở chế tạo, sửa chữa, kinh doanh, đào tạo và nghiên cứu có liên quan đến lĩnh vực Cơ điện tử.

Bộ môn Cơ điện tử phụ trách đào tạo: cao đẳng ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử